Pages - Menu- inbox

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Hoa 12 tháng ở Hà Nội .

NHỮNG MÙA HOA ĐẶC TRƯNG THEO THÁNG CỦA HÀ NỘI

Mùa thì e ấp nụ đào, mùa thì lãng mạn nhành sưa, Hà Nội - mảnh đất kinh kỳ luôn được thiên nhiêu ưu ái với những mùa hoa đẹp rất đặc trưng.
 
Tháng giêng thắm sắc hoa đào
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ta lại bắt gặp hình ảnh những người trồng hoa chở theo những cành đào chúm chím nụ trên chiếc xe đạp cũ dạo khắp các nẻo phố phường. Nhìn những cánh hoa thắm mỏng manh rung rinh trong làn mưa bụi, lòng người bỗng thấy xuyến xao bởi mùa xuân đã bắt đầu gõ cửa mọi nhà.
 

Hoa đào bích...


Cùng hoa đào phai đua nhau khoe sắc.
Sắc hồng không thể thiếu trong mùa xuân miền Bắc. 
 
Hoa sữa trắng trời tháng 2
Cứ mỗi dịp cuối tháng 2 và đầu tháng 3 âm lịch, Hà Nội lại trở nên sáng bừng với màu trắng tinh khiết của hoa sưa.
Hoa sưa đẹp nhưng mùa hoa lại ngắn, nở rất nhanh nhưng cũng chóng lụi tàn. Có khi chỉ sau một đêm hoa đã nở trắng trời như một món quà bất ngờ không hẹn trước. Nhưng rồi lại nhanh chóng rụng xuống theo gió,mưa xuân, nhường chỗ cho sắc lá xanh non.
 
Hoa sưa nở trắng trời Hà Nội...


 Sắc hoa trắng tinh khôi...


Nhưng mỏng manh và dễ tàn.
 
Tháng 3 hoa gạo
Hoa gạo hay còn được biết đến với những cái tên khác như mộc miên hay pơ lang là loài hoa quen của các làng quê Bắc Bộ. Hoa gạo là thứ hoa thắp lửa đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Hoa gạo nở báo hiệu mùa xuân sắp hết để nhường chỗ cho những ngày hè chói chang. 
Hình ảnh những bông gạo đỏ rực  không chỉ tạo một vẻ đẹp thanh bình mà còn có thể làm nhói lòng những người con xa quê khi nhớ về quê hương và những ký ức tuổi thơ.
 
 
Hoa gạo rực trời mỗi độ tháng ba về.

Loài hoa này gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt
 
 
“Bao giờ cho đến tháng ba, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn". 
 
Loa kèn tháng 4 
Tháng 4 về, lẫn với khúc hát mùa hè, là lúc những chiếc xe chất đầy loa kèn rong ruổi khắp các ngõ phố của mảnh đất Kinh kỳ. Những ngày này, dường như ai cũng muốn bớt chút vội vã, dừng lại bên gánh hàng dong, chọn mua về những đóa hoa có sắc trắng mong manh và hương thơm tinh khiết.
Những ruộng loa kèn nở rộ.
 
Loa kèn xuống phố.

 Khiến bao người vấn vương.
 
Tháng 5, bằng lăng và phượng vĩ  của tuổi học trò
Bằng lăng và phượng vĩ là hai thứ hoa đặc biệt của tuổi học, của mùa thi và mùa chia tay mái trường. Hai loại hoa tiếp bước nhau làm nên màu sắc của cả một mùa hạ dài. Khi sắc tím của bằng lăng dần nhạt màu theo những cơn mưa hạ thì cũng là lúc phượng vĩ bắt đầu đốt hết mình rực rỡ trong nắng hè.
 
Loài hoa mang màu mực tím.


E ấp nơi giỏ xe những cô nữ sinh.

Phượng vĩ - loài hoa thắp lửa tuổi học trò.
 
Nhuộm đỏ những góc trời.

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng.  
 
Tháng 6 hoa sen
Mỗi độ tháng sáu về, sen lại hé nụ khoe sắc hương quyến rũ. Để có được những bó hoa tươi, đẹp, những người hái sen phải thức dậy từ sớm tinh mơ, khéo léo lách thuyền trong hồ, chọn hái từng bông.
 
Tháng 6 - mùa hoa sen
 
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
 Nụ sen chúm chím sớm mai.

Sen trắng mong manh, thuần khiết.
 Hoa sen theo chân cô bán hàng xuống phố.
 
Tháng 7 của hướng dương và xà cừ
Hoa hướng dương đặc biệt được nhiều bạn trẻ ưa thích. Những gánh hàng hoa vàng rực hòa cùng màu nắng khiến ai cũng muốn đưa mắt ngắm nhìn mỗi khi bắt gặp trên đường.
 
Những bó hướng dương nhuộm vàng góc phố.

Loài hoa với ý nghĩa hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
 
Cùng với hướng dương là hoa xà cừ - một loài hoa giản dị của mùa hạ Hà Nội mà ít người biết tới. Sau mùa trút lá, những bông hoa màu vàng trắng sẽ bắt đầu xuất hiện, chúng rất nhỏ và nếu không để ý, bạn sẽ rất khó phát hiện ra nếu có đi ngang qua.
 
Rất khó để phát hiện ra hoa xà cừ.
 
Cánh hoa nhỏ rụng lối ta đi.
 
Tháng 8, trở lại với tuổi thơ cùng hoa dâu da xoan
Khi những trận mưa rào nặng hạt đặc trưng của mùa hè tới thấm đẫm mặt đất sẽ là thời điểm rộ nở của dâu da xoan. Hoa kết thành từng chùm li ti, trắng tinh khiết. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng vạt hoa rơi xuống trắng cả con đường.
 
Hoa dâu da nở trắng đường.

Những bông hoa trắng li ti đã quen thuộc với bao thế hệ người Việt. 
Đón chờ những chùm quả lúc lỉu.
 
Tháng 9 ngọt ngào với hoa sữa
Nhắc đến mùa thu Hà Nội, người ta thường nhớ ngay đến hoa sữa. Những chùm hoa vàng nhạt cũng mùi hương dào dạt đã đi vào những khúc ca về Hà Nội rất tự nhiên. Vội vã trên dòng đời xuôi ngược, người ta có thể quên ngày, quên tháng, nhưng một mùi hương ngọt ngào thoảng hoặc bất ngờ thoáng qua cũng đủ để nhắc họ rằng mùa thu đã về.
 
Hoa sữa ngọt ngào đầu phố.

Những chùm hoa mang sắc trắng ngả vàng.

Báo hiệu mùa thu đã về.

Tháng mười cúc lại nở hoa
Thu sang, cúc đến - loài hoa của riêng mùa thu mang nét phảng phất buồn của những ngày sắp chuyển đông giá rét. Hoa cúc vàng như gom lại hết chút nắng cuối hè còn sót lại, sánh bên hoa cúc trắng mỏng manh, tinh khôi mang đến "chất thu" rất đặc trưng của Hà Nội.
 
Cúc vàng gom nắng mùa thu.

Gánh hàng hoa

Cúc họa mi tinh khiết.

Tháng 11 hoa lưu ly
Tím biếc trên những giỏ xe, hoa lưu ly đi qua phố trong những ngày giá rét. Với nhiều người, loài hoa tím mỏng manh này tượng trưng cho sự thủy chung. Mùa hoa lưu ly chỉ rộ khoảng hai tuần rồi biến mất trước khi những cơn gió lạnh giá của mùa đông ào ào qua phố vắng.
 
Sắc tím dịu dàng mỏng manh của lưu ly.
 
"Xin đừng quên em".

Tháng 12 hoa cải về trời
Hà Nội có một mùa đặc biệt xen giữa những ngày đông u ám giá lạnh: mùa hoa cải. Cuối tháng mười một, hoa cải bắt đầu nở và sang tháng mười hai, cải bắt đầu vàng rực một góc trời, đung đưa trong gió. Có người nói, hoa cải là thứ hoa quê mùa, giản dị đến nỗi nhiều khi bị bỏ quên, tự nở tự tàn, tự lụi nhưng có lẽ ít ai biết rằng, cái quê mùa ấy đã gắn liền với tuổi thơ của bao lớp người Việt...


Những cánh đồng hoa cải bát ngát.


Thứ hoa dân dã.

...gắn với tuổi thơ rất nhiều người.
 
ST.

Chợ nón Gò Găng

"Gò Găng có nón chung tình
Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi".
TTCT - Có một phiên chợ đặc biệt và kỳ lạ tồn tại từ rất lâu ở thị trấn Gò Găng (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định), cách TP Quy Nhơn khoảng 30km.
Nón ngựa có gắn chóp bạc ở trên để tăng sự oai phong. Chóp bạc giá mỗi cái 2,5 triệu đồng, giá thành một nón ngựa khoảng 2,8 triệu đồng - Ảnh: T.Đ.
Theo một số người cao tuổi, chợ đã có trên 300 năm và có rất nhiều câu ca dao hát về nó. Người đi chợ mang theo đèn dầu thắp sáng để bán một thứ duy nhất là nón lá nên người ta gọi là chợ nón. Chợ họp rất sớm, kéo dài từ 2g-5g sáng. Từ xưa, dù là chiến tranh, mưa gió hay điện đã về nhưng đến nay đêm nào ngọn đèn dầu cũng thắp lên lung linh, rộn ràng.
Nghề làm nón ở Bình Định là một nghề cổ truyền, nhọc công nhưng ít vốn, thu nhập đủ để cải thiện cuộc sống hằng ngày. Cụ Nguyễn Thị Dự (90 tuổi) tâm sự: "Không biết nghề này có từ đời nào, từ thời ông bà của tui đã có. Bao nhiêu đời rồi, người dân không lấy nghề này làm nghề chính, gia đình nào cũng coi là nghề phụ nhưng nó nuôi sống biết bao thế hệ ở đây. Thấy con cháu ít theo nghề nón sợ nay mai không có ai truyền nghề cho đời sau".
Tuy nhiên chị Vương Thị Lan (46 tuổi) cho biết: "Mỗi ngày người làm giỏi được 5-7 cái nón, giá mỗi chiếc 10.000 đồng, trừ chi phí còn khoảng trên 40.000 đồng. Nghề này thu nhập không cao nhưng ai cũng làm vì chủ yếu là tận dụng thời gian lúc nông nhàn. Nghề vẫn còn thu hút khá nhiều người, chợ nón đêm rất sầm uất".
Về các làng nón lúc nào cũng rộn ràng như không có giấc ngủ. Họ tranh thủ lúc rảnh rỗi, nhất là ban đêm, trai gái già trẻ quây quần vừa làm vừa tán gẫu cho đến khuya. Rồi chở hàng ra chợ bán tiếp tục cho đến sáng. Bán nón xong họ lại mua vật liệu về tiếp tục đan nón.
Nhiều làng lân cận chợ nón Gò Găng hình thành làng nghề nón truyền thống, đặc biệt là thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) nổi tiếng với chiếc nón ngựa. Đây là loại nón ngày xưa chỉ dành cho giới quý tộc, quan binh triều đình, các bậc văn nhân thượng lưu, công tử con nhà giàu có. Thuở xưa, người đi ngựa đội nón này rất oai phong lẫm liệt.
Khi cắt lá nón về thì đạp cho mềm rồi đem phơi nhẹ. Công việc này thường dành cho những em nhỏ - Ảnh: Ngô Thanh Bình

Bà Võ Thị Hoa (72 tuổi) bán cước đan nón cho biết có hai loại cước: cước lớn là gộp, cước nhỏ để chằm nón - Ảnh: T.Đ.
Chị Vương Thị Lan cho biết mỗi ngày người giỏi đan được khoảng bảy chiếc nón. Hiện giá bán là 10.000 đồng/cái - Ảnh: T.Đ.
Mua cây giang về chẻ ra và chuốt để làm khung - Ảnh: T.Đ.
Làm nón ngựa công phu hơn với nhiều công đoạn tỉ mỉ - Ảnh: T.Đ.
Lá nón có nếp gấp được kéo thẳng ra trên một miếng gang hơ nóng - Ảnh: T.Đ.   

10 điều thú vị về… tiền



10 điều thú vị về… tiền

 Không phải ai cũng biết hết những câu chuyện thú vị xung quanh những tờ bạc. Tiền là thứ được mọi người sử dụng hàng ngày, nhưng không phải ai cũng biết hết những câu chuyện thú vị xung quanh những tờ bạc. Tạp chí Time đã điểm lại 10 câu chuyện được xem là ít biết về tiền.
1. Đồng bạc có kích thước lớn nhất

Với kích thước lớn hơn cả 1 tờ giấy A4, đồng bạc có kích thước lớn nhất thế giới có mệnh giá 100.000 Peso do Chính phủ Philippines phát hành năm 1998. Được thiết kế nhằm kỷ niệm 1 thế kỷ ngày Philippines giành độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha, đồng bạc phiên bản giới hạn này chỉ được bán cho các nhà sưu tập. Giá bán cho các nhà sưu tập là 180.000 Peso, tương đương 3.700 USD/tờ.
 
2. Đồng bạc mệnh giá 1 triệu Bảng

Đồng bạc có mệnh giá lớn nhất mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) từng phát hành có mệnh giá 1 triệu Bảng vào năm 1948, trong thời gian tái thiết hậu chiến tranh theo kế hoạch Marshall. Đồng bạc này được thiết kế dành riêng cho Chính phủ Mỹ sử dụng. Vài tháng sau đó, việc phát hành chấm dứt, nên chỉ có rất ít đồng bạc này lọt vào tay tư nhân. Vào năm 2008, một trong những đồng bạc mệnh giá khổng lồ còn sót lại đã được bán đấu giá thành công với mức giá khoảng 120.000 USD.
 
3. Máy ATM đầu tiên trên thế giới
Máy ATM có lẽ là ý tưởng tuyệt vời nhất mà con người nghĩ ra khi ở trong bồn tắm kể từ thời Archimede. Khi đang tắm, John Shepherd-Barron đã phát minh ra chiếc máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên, cho dù vẫn còn những tranh cãi về bản quyền của ông đối với ít tưởng này. Shepherd-Barron sau đó đã đưa ý tưởng của ông lên ngân hàng Barclays của Anh và được chấp nhận ngay lập tức.

Vào năm 1967, chiếc máy ATM đầu tiên đã được lắp đặt London. Dẫu còn thô sơ so với những “hậu duệ” ATM ngày nay, nhưng có ưu điểm là không thu phí. Trong ảnh là một phụ nữ đang rút tiền từ máy ATM bên ngoài ngân hàng Westminster ở London vào ngày 19/1/1968.
 
4. Nguồn gốc của ký hiệu $
Không ai biết ký hiệu của đồng bạc xanh ($) từ đâu mà có, nhưng Cục In tiền của Mỹ có cách lý giải xem chừng rất hợp lý. Cơ quan này cho biết, ký hiệu $ ban đầu được sử dụng cho đồng Peso của Tây Ban Nha và Mexico, trông giống như chữ “P” viết lồng vào chữ “S”. Ký hiệu $ đã được sử dụng rộng rãi trước năm 1875, thời điểm đồng USD bằng giấy đầu tiên được phát hành. Nếu để ý, có thể thấy ký hiệu $ không hề xuất hiện trên đồng tiền của nước Mỹ.
5. Tiền mệnh giá càng nhỏ càng nhanh rách
Tất cả các đồng tiền giấy rốt cục rồi cũng rách nát. Những đồng càng có mệnh giá nhỏ lại càng được sử dụng nhiều, vòng đời càng ngắn hơn. Ước tính, đồng 1 USD chỉ tồn tại được trong 21 tháng, trong khi tờ 100 USD có thể sử dụng trong 7 năm. Trong khoảng thời gian đó, lạm phát có thể làm giá trị của đồng tiền “teo” đi. Đây có thể xem là lý do để mọi người tiêu tiền càng nhanh càng tốt!
 
6. Cảnh sát chống bạc giả của Mỹ
Sau cuộc Nội chiến (1861-1865), tiền giả lan tràn khắp nước Mỹ, với tỷ lệ bạc giả được cho là lên tới 1/3 số tờ bạc trong lưu thông, buộc Chính phủ phải hành động. Vào năm 1865, một bộ phận đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã được thành lập để chống nạn làm giả tiền. Cơ quan này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với cái tên Mật vụ Hoa Kỳ (USSS), mang nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của nước này.

Tổng thống Abraham Lincoln là người đã trao quyền chống bạc giả cho Mật vụ vào ngày 14/4/1865. Đến năm 1901, cơ quan này được Tổng thống William McKinley giao thêm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống. Năm 2002, Mật vụ Mỹ - cơ quan gồm 6.500 nhân viên - được chuyển vào một bộ mới thành lập là Bộ An ninh nội địa.

7. Người có chân dung được in nhiều nhất trên tiền
Từ Australia tới Trinidad và Tobago, chân dung của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị ngự trị trên đồng tiền của 33 quốc gia khác nhau - nhiều hơn bất cứ một nhân vật nào. Canada là nước đầu tiên in chân dung của Nữ hoàng Elizabeth lên đồng tiền vào năm 1935, khi Nữ hoàng còn là công chúa lên 9 tuổi.
Theo thời gian, 26 chân dung khác nhau của Nữ hoàng Anh đã được sử dụng trên đồng Bảng Anh cũng như đồng tiền của các thuộc địa, lãnh địa và vùng lãnh thổ của nước này. Một số nước thích sử dụng chân dung của Nữ hoàng trong trang phục hoàng gia lộng lẫy, một số khác thích chân dung giản đơn. Nhiều nước “cập nhật” chân dung của Nữ hoàng theo độ tuổi, trong khi nhiều nước chỉ thích dùng chân dung của Nữ hoàng khi còn trẻ.
 
8. Tiền rất bẩn
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn số tờ USD nằm trong lưu thông có dính một hàm lượng nhất định chất ma túy. Lý do là bọn buôn lậu ma túy thường dùng tay có dính thuốc để di chuyển tiền, nhiều con nghiện cũng sử dụng tiền để cuộn lại làm ống hít.

Tệ hơn, tiền còn được các nhà nghiên cứu chỉ ra là một ổ bệnh, với rất nhiều loại vi khuẩn và virus khác nhau, với số lượng thậm chí còn lớn hơn trong toilet của các hộ gia đình. Chẳng hạn, virus cúm được cho là có thể tồn tại trên tiền giấy tới 17 ngày. Đó là lý do vì sao người ta nên dùng thẻ nhiều hơn.
 
9. Tiền mệnh giá “siêu khủng” của Zimbabwe
Với tốc độ lạm phát lên tới 231 triệu %, giá một ổ bánh mì là 300 tỷ Đôla Zimbabwe, Chính phủ nước này đã phải phát hành tờ bạc mệnh giá 100 nghìn tỷ Đôla Zimbabwe vào đầu năm 2010. Đây là tờ bạc có mệnh giá lớn nhất trên thế giới từ trước tới nay.
10. Tờ tiền giấy đầu tiên

Tiền giấy được sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc, vào thời nhà Đường (618-907), ban đầu dưới dạng tờ bạc phát hành tư nhân. Đến thế kỷ thứ 17, tiền giấy mới bắt đầu được sử dụng tại châu Âu. Và thêm khoảng 1-2 thế kỷ nữa, tiền giấy mới được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Do tiền giấy được phát hành ồ ạt và gây lạm phát, Trung Quốc đã cấm tiền giấy hoàn toàn vào năm 1455 và nhiều thế kỷ sau đó mới sử dụng trở lại loại tiền này. Một sự thật mà ít người biết đến nữa là: Từ “cash” (“tiền mặt”) trong tiền Anh bắt nguồn từ từ “kai-yuan” dùng để chỉ loại tiền xu bằng đồng có đục lỗ ở giữa được sử dụng phổ biến vào thời nhà Đường.